Sa sút trí tuệ là một trong những tình trạng sức khỏe phức tạp, ảnh hưởng đến trí nhớ và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn, việc áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp và chăm sóc đúng cách có thể làm chậm tiến triển bệnh, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất cho bệnh nhân.
Sa sút trí tuệ là gì?
Sa sút trí tuệ là hội chứng ảnh hưởng đến khả năng nhận thức, trí nhớ, ngôn ngữ và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày. Đây không phải là một bệnh cụ thể, mà là kết quả của nhiều rối loạn hoặc tổn thương não bộ. Bệnh này thường gặp nhất ở người cao tuổi, tuy nhiên, bệnh này cũng có thể xuất hiện ở người trẻ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay có khoảng 55 triệu người trên toàn cầu sống chung với sa sút trí tuệ. Dự báo đến năm 2030, con số này có thể tăng lên đến 78 triệu.
Tỷ lệ người mắc sa sút trí tuệ ở Việt Nam hiện tại đã lên tới khoảng 500.000 người, nhưng rất ít người được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh nhân thường đến bệnh viện khi bệnh đã tiến triển nặng, khiến việc điều trị trở nên khó khăn và chất lượng cuộc sống giảm sút nghiêm trọng.

Các giai đoạn của sa sút trí tuệ
Bệnh sa sút trí tuệ diễn tiến qua ba giai đoạn:
Giai đoạn sớm
Ở giai đoạn đầu, Người bệnh ó triệu chứng như giảm trí nhớ ngắn hạn, rối loạn ngôn ngữ và khả năng đánh giá, thay đổi khí sắc và hành vi. Người bệnh có thể gặp khó khăn trong:
- Lập kế hoạch: Khó tổ chức hoặc thực hiện các công việc phức tạp.
- Trí nhớ: Có xu hướng quên các sự kiện gần đây nhưng vẫn nhớ rõ các kỷ niệm cũ.
- Hành vi: Thỉnh thoảng thể hiện sự bối rối, mất phương hướng nhẹ.
Việc chẩn đoán bệnh ở giai đoạn này phụ thuộc vào các thăm khám chuyên sâu và xét nghiệm chức năng não bộ.
Giai đoạn vừa
Tình trạng sa sút trí tuệ trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh gặp khó khăn trong các công việc hàng ngày và có thể bị lạc ngay cả trong nhà. Thậm chí, họ có thể có những triệu chứng hoang tưởng. Các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày:
- Giảm trí nhớ nghiêm trọng hơn: Nhầm lẫn về thời gian, nơi chốn, hoặc tên của người quen.
- Hạn chế giao tiếp: Khó tìm từ, sử dụng ngôn ngữ lặp lại hoặc không phù hợp.
- Tăng sự phụ thuộc: Người bệnh cần sự hỗ trợ từ gia đình trong việc tự chăm sóc như ăn uống, vệ sinh cá nhân.
Giai đoạn muộn
Người bệnh không thể tự chăm sóc bản thân, hoàn toàn phụ thuộc vào người khác trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Họ không nhận ra người thân và có thể tử vong vì các bệnh nhiễm trùng. Đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất:
- Quên tên người thân: Không nhận ra con cái hoặc bạn đời.
- Thay đổi tính cách: Có thể trở nên hung hăng hoặc thờ ơ.
- Suy giảm thể chất: Không thể đi lại, nói chuyện hoặc thực hiện các hoạt động cơ bản.

Nguyên nhân của sa sút trí tuệ
Chứng bệnh này được chia làm hai nhóm chính: Bệnh do nguyên nhân thoái hóa thần kinh (không thể đảo ngược) và sa sút trí tuệ do các nguyên nhân có thể đảo ngược.
Sa sút trí tuệ do thoái hóa thần kinh (không thể đảo ngược)
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất và thường có tiến triển nặng theo thời gian. Một số dạng sa sút trí tuệ không thể đảo ngược bao gồm:
- Bệnh Alzheimer: Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây sa sút trí tuệ. Ở bệnh nhân Alzheimer, các mảng amyloid và búi sợi tơ thần kinh tích tụ trong não, gây tổn thương các tế bào thần kinh và ngăn chặn các kết nối thần kinh.
- Sa sút trí tuệ mạch máu: Loại bệnh này xuất phát từ tổn thương các mạch máu cung cấp máu cho não, dẫn đến đột quỵ hoặc tổn thương các sợi trong chất trắng của não. Các triệu chứng chính bao gồm suy giảm khả năng giải quyết vấn đề, tư duy chậm và khó tập trung.
- Sa sút trí tuệ thể Lewy: Loại bệnh này do sự xuất hiện của các khối protein bất thường (thể Lewy) trong não. Các triệu chứng bao gồm mộng du, ảo giác, giảm khả năng tập trung, cử động không phối hợp, run và cứng đơ cơ.
- Sa sút trí tuệ vùng trán – thái dương: Bệnh xảy ra khi các tế bào thần kinh ở thùy trán và thái dương bị thoái hóa. Các biểu hiện thường thấy là thay đổi hành vi, ngôn ngữ và khả năng phán đoán.
- Sa sút trí tuệ hỗn hợp: Đây là tình trạng bệnh nhân mắc đồng thời nhiều loại bệnh như Alzheimer kèm sa sút trí tuệ mạch máu.
- Bệnh Huntington: Do đột biến gen, bệnh này làm tổn thương các tế bào thần kinh ở não và tủy sống. Triệu chứng thường xuất hiện ở độ tuổi 30-40, gây suy giảm nghiêm trọng khả năng tư duy.
- Chấn thương sọ não (TBI): Những chấn thương đầu lặp đi lặp lại, thường gặp ở võ sĩ, cầu thủ bóng đá hoặc binh lính, có thể dẫn đến sa sút trí tuệ nhiều năm sau chấn thương.
- Dịch bệnh Creutzfeldt-Jakob (CJD): Đây là dạng rối loạn hiếm gặp, thường do protein prion bị lắng đọng hoặc do di truyền. Bệnh gây tổn thương não nghiêm trọng và nhanh chóng.
- Bệnh Parkinson: Những người mắc bệnh Parkinson thường phát triển các triệu chứng sa sút trí tuệ ở giai đoạn sau của bệnh.
Sa sút trí tuệ do các nguyên nhân có thể đảo ngược
Một số nguyên nhân gây sa sút trí tuệ có thể điều trị hoặc ngăn ngừa nếu được phát hiện sớm:
- Nhiễm trùng và rối loạn miễn dịch: Các bệnh nhiễm trùng như viêm não hoặc tác động của hệ miễn dịch có thể gây ra triệu chứng giống sa sút trí tuệ.
- Các vấn đề về trao đổi chất và nội tiết: Các bệnh lý như suy giáp, hạ đường huyết, hoặc thiếu hụt vitamin B12, canxi có thể làm xuất hiện các triệu chứng giống sa sút trí tuệ.
- Thiếu hụt dinh dưỡng: Mất nước, thiếu hụt vitamin B1, B6, B12, hoặc vitamin E có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ và khả năng tư duy.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc hoặc sự tương tác giữa các thuốc có thể gây triệu chứng giống sa sút trí tuệ, đặc biệt ở người cao tuổi.
- Máu tụ dưới màng cứng: Tình trạng chảy máu giữa bề mặt não và lớp phủ trên não, thường xảy ra sau các cú ngã, có thể gây sa sút trí tuệ.
- Nhiễm độc: Tiếp xúc với các chất độc hại như chì, thủy ngân, thuốc trừ sâu hoặc lạm dụng rượu, ma túy có thể làm tổn thương não.
- U não: Các khối u trong não có thể chèn ép hoặc phá hủy các tế bào thần kinh, gây ra triệu chứng sa sút trí tuệ.
- Thiếu oxy: Các tình trạng như ngưng thở khi ngủ, hen suyễn hoặc ngộ độc khí carbon monoxide có thể làm giảm lượng oxy cung cấp cho não, dẫn đến suy giảm nhận thức.
- Não úng thủy bình thường: Tình trạng này xảy ra khi các tâm thất trong não bị mở rộng, gây khó khăn trong việc đi lại, tiểu tiện và nhận thức.
Những đối tượng nguy cơ cao mắc sa sút trí tuệ
- Tuổi tác: Người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do quá trình lão hóa làm suy giảm chức năng não.
- Tiền sử gia đình: Các bệnh lý như Alzheimer hoặc Huntington có tính di truyền cao.
- Hội chứng Down: Người có 3 nhiễm sắc thể số 21 có nguy cơ phát triển Alzheimer ở độ tuổi sớm.
- Sức khỏe tâm thần: Những người bị trầm cảm, căng thẳng mãn tính hoặc mất ngủ kéo dài dễ mắc sa sút trí tuệ.
- Chế độ ăn thiếu hụt dinh dưỡng: Thiếu các vitamin cần thiết cho hệ thần kinh như vitamin B6, B9, B12 có thể làm tăng nguy cơ.
Các biểu hiện của sa sút trí tuệ
- Mất trí nhớ gần: Người bệnh thường quên những sự kiện gần đây, có thể hỏi đi hỏi lại cùng một câu mà không nhớ rằng đã nhận được câu trả lời.
- Khó khăn trong các công việc quen thuộc: Người bệnh có thể quên các hành động đơn giản như ăn uống, nấu nướng, thậm chí quên những việc đã làm.
- Rối loạn ngôn ngữ: Thường quên từ vựng đơn giản hoặc dùng từ không chính xác, khó diễn đạt ý mình muốn nói, làm cho người khác khó hiểu.
- Rối loạn định hướng: Người bệnh có thể bị lạc đường hoặc không nhớ được mình đến nơi nào và làm thế nào để quay lại.
- Giảm khả năng tự chăm sóc: Người bệnh không thể tự ăn uống, vệ sinh cá nhân và trong giai đoạn nặng hơn, họ hoàn toàn phụ thuộc vào sự giúp đỡ từ gia đình.
- Thay đổi tính cách và khí sắc: Người bệnh có thể thay đổi nhanh chóng từ trạng thái bình tĩnh sang tức giận, từ hạnh phúc sang lo âu. Tính cách cũng thay đổi, họ trở nên dễ kích động hoặc mất hứng thú với các hoạt động trước đây.

Các biến chứng của bệnh sa sút trí tuệ
Bệnh sa sút trí tuệ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng:
- Mất khả năng tự chăm sóc: Người bệnh phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ của người khác.
- Tăng nguy cơ tai nạn: Suy giảm khả năng nhận thức làm tăng nguy cơ té ngã hoặc bị tai nạn.
- Tâm thần phân liệt: Một số bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng loạn thần, ảo giác hoặc trầm cảm nặng.
Các loại sa sút trí tuệ phổ biến hiện nay
Hiện nay, bệnh được chia thành bốn loại chính: bệnh Alzheimer, chứng mất trí nhớ mạch máu, chứng mất trí nhớ thể Lewy và chứng mất trí nhớ thùy trán. Trong đó, bệnh Alzheimer là dạng phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ cao nhất trong trường hợp sa sút trí tuệ.
Bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer là nguyên nhân hàng đầu gây sa sút trí tuệ, đặc trưng bởi tình trạng suy giảm trí nhớ và trí nhớ ngắn hạn. Nguyên nhân chủ yếu do sự hình thành các mảng protein và đám rối trong não, gây tổn thương tế bào thần kinh. Triệu chứng nhận biết:
- Hay quên, không nhớ các sự kiện vừa xảy ra.
- Không thể nhận diện thời gian và không gian.
- Khó khăn trong việc diễn đạt hoặc tìm từ.
Bệnh tiến triển chậm nhưng không thể đảo ngược, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bệnh mất trí nhớ mạch máu
Đây là loại sa sút trí tuệ phổ biến thứ hai, liên quan đến việc cung cấp máu lên não không đủ. Nguyên nhân và triệu chứng:
- Do đột quỵ, tăng huyết áp, tiểu đường, hoặc hút thuốc lá lâu năm.
- Triệu chứng trầm cảm, mất cảm xúc nhưng vẫn giữ được tính cách và khả năng phán đoán.
Sa sút trí tuệ thể Lewy (DLB)
Loại này thường xảy ra kèm với bệnh Parkinson và có các biểu hiện như:
- Ảo giác thị giác.
- Run rẩy tay chân không kiểm soát.
- Suy nghĩ chậm, khó tập trung.
Người bệnh thường chậm chạp trong hành vi và đôi khi cần thời gian để bắt đầu một hành động như đi bộ.
Chứng mất trí nhớ thùy trán (FTLD)
Đây là loại sa sút trí tuệ liên quan đến tổn thương thùy trán và thùy thái dương của não, phổ biến hơn ở người trẻ tuổi. Đặc điểm nhận biết:
- Hành vi bất thường như rời khỏi cuộc trò chuyện một cách không hợp lý.
- Các triệu chứng ám ảnh như mở và đóng ngăn kéo nhiều lần.
- Không xuất hiện lú lẫn hay hay quên trong giai đoạn đầu, khác biệt với bệnh Alzheimer.
Người trẻ bị sa sút trí tuệ có thể phục hồi không?
Khả năng phục hồi phụ thuộc vào nguyên nhân. Với các trường hợp do thiếu hụt dinh dưỡng hoặc nhiễm trùng, điều trị kịp thời có thể mang lại hiệu quả cao. Cách phòng ngừa sa sút trí tuệ ở người trẻ:
- Tránh căng thẳng: Giảm thiểu áp lực công việc và cuộc sống.
- Tăng cường vận động: Chơi thể thao hoặc thiền giúp duy trì sức khỏe thần kinh.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Phát hiện sớm các nguy cơ bệnh lý.
Sa sút trí tuệ là một vấn đề sức khỏe phức tạp nhưng có thể được quản lý tốt nếu phát hiện sớm. Việc duy trì lối sống lành mạnh và tìm kiếm hỗ trợ y tế kịp thời sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, dù ở bất kỳ độ tuổi nào.
Phương pháp điều trị sa sút trí tuệ hiện nay
Hiện nay, đối với sa sút trí tuệ do các nguyên nhân nguyên phát như Alzheimer, chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, các biện pháp điều trị tập trung làm chậm tiến triển của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
- Thuốc ức chế cholinesterase: Gia tăng nồng độ chất dẫn truyền thần kinh, cải thiện trí nhớ và giảm hành vi bất thường. Thường được sử dụng cho bệnh nhân Alzheimer hoặc Parkinson.
- Memantine: Hỗ trợ làm chậm suy giảm trí nhớ bằng cách tăng cường chất glutamine. Loại thuốc này thường được kê cùng với thuốc ức chế cholinesterase.
- Thuốc an thần: Giảm lo âu, mất ngủ hoặc kích động.
- Thuốc chống trầm cảm: Hỗ trợ các triệu chứng buồn bã, mất hứng thú thường gặp ở bệnh nhân sa sút trí tuệ kèm trầm cảm.
Chỉ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không tự ý thay đổi liều lượng, loại thuốc hoặc ngừng thuốc mà không có sự tư vấn của bác sĩ, vì điều này có thể làm giảm hiệu quả điều trị hoặc gây tác dụng phụ.

Chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân sa sút trí tuệ
Chăm sóc bệnh nhân sa sút trí tuệ tại nhà không chỉ bao gồm việc dùng thuốc mà còn cần sự chú ý đặc biệt đến môi trường sống và sự hỗ trợ trong các hoạt động hàng ngày. Dưới đây là một số cách chăm sóc hiệu quả giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh:
- Đảm bảo không gian sống an toàn là ưu tiên hàng đầu. Cần giảm thiểu các vật dụng dễ gây va chạm, ngã và tạo ra không gian thoáng đãng, dễ di chuyển. Nên lắp đặt các thiết bị hỗ trợ như tay vịn, đèn chiếu sáng ban đêm để người bệnh không gặp khó khăn trong sinh hoạt.
- Chọn lựa môi trường sống yên tĩnh, không ồn ào và đảm bảo có sự hỗ trợ y tế khi cần thiết. Một không gian sống yên bình giúp người bệnh giảm bớt lo âu và căng thẳng, đồng thời tạo cảm giác an toàn.
- Đơn giản hóa các công việc như ăn uống, tắm rửa và thay quần áo giúp người bệnh dễ dàng thực hiện khi có thể. Hãy chia nhỏ các công việc và thực hiện từng bước một để tránh gây áp lực cho bệnh nhân.
- Vận động nhẹ nhàng là một phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần. Khuyến khích người bệnh tham gia vào các bài tập đơn giản như đi bộ hoặc tập thể dục nhẹ nhàng giúp cải thiện tâm trạng và sự linh hoạt của cơ thể.
- Một chế độ ăn uống khoa học, đa dạng các nhóm dinh dưỡng sẽ giúp người bệnh duy trì sức khỏe. Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ để hỗ trợ chức năng não bộ và giảm thiểu các vấn đề về sức khỏe khác.
- Duy trì sự giao tiếp hàng ngày là cách để người bệnh cảm thấy kết nối và được quan tâm. Ngoài ra, việc vệ sinh cơ thể, thay đồ sạch sẽ và chăm sóc da cũng rất quan trọng để người bệnh cảm thấy thoải mái.
- Thăm khám bác sĩ định kỳ giúp theo dõi tiến triển của bệnh và điều chỉnh phương pháp chăm sóc phù hợp. Các bác sĩ có thể tư vấn về các biện pháp hỗ trợ, điều trị và theo dõi tình trạng của bệnh nhân.
- Khuyến khích người bệnh tham gia vào các công việc tự chăm sóc bản thân khi có thể. Điều này giúp người bệnh duy trì cảm giác tự lập, cải thiện tinh thần và làm chậm quá trình suy giảm chức năng.
Biện pháp phòng ngừa sa sút trí tuệ
Để giảm nguy cơ mắc bệnh sa sút trí tuệ hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau đây là rất quan trọng:
- Tăng cường hoạt động trí tuệ thông qua các trò chơi như cờ, giải đố, hoặc ghép hình. Những hoạt động này không chỉ giúp cải thiện khả năng tư duy mà còn kích thích sự linh hoạt của não bộ, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc sa sút trí tuệ.
- Thể dục thể thao giúp cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường sức đề kháng và duy trì sức khỏe tổng thể. Các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga hoặc bơi lội có thể giúp duy trì sự dẻo dai của cơ thể và não bộ, đồng thời giảm nguy cơ mắc bệnh lý mạch máu não.
- Tránh xa thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác. Những chất này có thể gây hại cho hệ thần kinh và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về não, đặc biệt là sa sút trí tuệ.
- Ăn uống lành mạnh với đầy đủ các nhóm dưỡng chất sẽ giúp bảo vệ não bộ. Các thực phẩm giàu omega-3, vitamin B6, B9 (folate) như cá hồi, quả bơ, rau xanh, hạt chia giúp duy trì sức khỏe của tế bào não và cải thiện khả năng nhận thức.
- Duy trì một chế độ ngủ đầy đủ và đúng giờ là rất quan trọng. Giấc ngủ giúp não bộ tái tạo và xử lý thông tin, đồng thời hỗ trợ hệ thần kinh hoạt động hiệu quả. Ngủ đủ giấc mỗi đêm và tránh thức khuya giúp cải thiện sức khỏe não bộ.
Mặc dù không có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn, các biện pháp điều trị và chăm sóc đúng cách có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho người bệnh sa sút trí tuệ. Việc phòng ngừa thông qua lối sống lành mạnh cũng rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe trí não.
Đội ngũ biên tập Nhà Thuốc An Tâm